Những nguyên nhân nào làm giảm lượng canxi trong cơ thể và bổ sung như thế nào cho đúng.
Phụ huynh luôn lo lắng con mình bị còi xương, phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh và người cao tuổi luôn sợ mình bị xốp xương, loãng xương. Điều gì làm họ quan tâm vậy? Những nguyên nhân nào làm giảm lượng canxi trong cơ thể và bổ sung như thế nào cho đúng.
Canxi là cội nguồn của sự sống, là một trong 5 nguyên tố vi lượng quan trọng bậc nhất cho cơ thể (carbon, oxy, hydrô, nitơ canxi), vì vậy, thiếu canxi sẽ gây ra một số bệnh ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mãn kinh và người cao tuổi.
Nguyên nhân và tác hại của thiếu canxi
Canxi cần cho sự sống của con người là vậy, nhưng cơ thể lại không thể tổng hợp được mà phải đưa từ bên ngoài vào qua các loại thực phẩm hoặc dược phẩm (thuốc).
Thường ngày, ăn uống các loại thực phẩm ít có canxi, thực phẩm chứa nhiều xenlulô có thể làm giảm sự hấp thụ canxi của ruột. Hoặc cơ thể mắc một số bệnh ảnh hưởng đến hấp thu canxi (bệnh đường ruột) hoặc do quá trình lão hóa cũng làm ảnh hưởng đến hấp thụ canxi.
Nếu ăn nhiều protein sẽ làm gia tăng bài tiết canxi qua đường tiểu gây thiếu canxi, trong khi đó lại ăn ít rau, củ, quả cũng làm giảm lượng canxi hấp thu được qua thực phẩm.
Khi canxi kết hợp được với vitamin D thì tác dụng của chúng sẽ được phát huy mạnh mẽ, vì vậy, khi sống thiếu ánh sáng mặt trời hoặc thực phẩm thiếu vitamin D cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu và tác dụng của canxi.
Ngày nay, trẻ em thường dùng nhiều đồ uống đóng chai cũng làm giảm hấp thu canxi vì trong đồ uống đóng chai có nhiều hàm lượng phốtpho sẽ cản trở sự hấp thụ canxi.
Ngoài ra, do điều kiện kinh tế không cho phép hoặc do thói quen không uống sữa, trong khi sữa và chế phẩm của sữa có hàm lượng canxi rất phong phú (một lít sữa bò tiêu chuẩn có hàm lượng canxi là 600 - 700mg) cũng khiến cho nhiều người bị thiếu canxi.
Do đó, thiếu canxi trong khẩu phần, hấp thu canxi kém hoặc mất quá nhiều canxi dẫn đến bệnh lý. Bởi vì khi khả năng hấp thụ canxi trong thức ăn không đủ cho nhu cầu của cơ thể thì nồng độ canxi trong máu tạm thời giảm xuống, hệ thần kinh ngay lập tức kích thích tuyến giáp tiết ra hormon để chuyển hóa canxi trong xương thành ion canxi đưa vào máu.
Ở trẻ, thiếu canxi máu (ion canxi), nhẹ thì hay khóc đêm, khó ngủ, hay cáu gắt, không tập trung cho nên học tập sa sút; nặng có thể dẫn đến tình trạng co giật các cơ (chân, tay, mặt, miệng méo). Và nếu thiếu canxi kéo dài, còi xương ở trẻ em sẽ xuất hiện. Còi xương là bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ đang trong thời kỳ phát triển nhanh, nhẹ thì làm trẻ tăng trưởng kém, chậm mọc răng, nặng thì làm trẻ chậm phát triển chiều cao, biến dạng xương (chân hình chữ X, chữ 0), gây biến dạng lồng ngực, xương sọ hoặc biến dạng khung xương chậu, nguy hiểm nhất là xảy ra ở bé gái, khi lớn lên, sinh nở sẽ gặp khó khăn.
Đối với người trưởng thành, đặc biệt là người tuổi cao, phụ nữ tiền mãn kinh hoặc đã mãn kinh, thiếu canxi mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ dẫn đến giảm trọng lượng xương, tăng quá trình tiêu xương.
Bên cạnh đó, có thể thần kinh suy nhược, hay quên, tinh thần không ổn định, mất ngủ hoặc ngủ li bì, dễ cáu hay ngủ mơ, đau đầu, tính tình thay đổi thất thường và có thể dẫn tới bệnh xốp xương, loãng xương, tăng huyết áp.
Thực ra, thiếu canxi huyết sẽ gây hội chứng hạ canxi huyết, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Khi thiếu canxi huyết thể nhẹ, thường bắt đầu bằng các dấu hiệu như tê ở một số bộ phận trong cơ thể (lưỡi, môi, các đầu ngón tay, đầu ngón chân), nặng thì có thể có hiện tượng co cơ xảy ra trên toàn bộ cơ thể (chân, tay đột nhiên bị co rút, cứng lại, khó cử động, đau đớn, co giật khu trú hoặc một vùng nào đó) và có thể bị co thắt các cơ hô hấp gây khó thở, dễ nhầm với bệnh uốn ván.
Ngoài ra, người bệnh có thể bị tiểu buốt, trướng bụng.
Để xác định thiếu canxi, cần xét nghiệm hàm lượng canxi trong máu. Với xương, có thể đo mật độ của xương, chụp Xquang...