Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đặc biệt quan trọng bởi nếu không đáp ứng đủ các nguyên tắc dinh dưỡng thì lượng vitamin không được cung cấp đầy đủ, sức khỏe sẽ gặp vấn đề.

 

 

thiếu vitamin

 

Thiếu vitamin có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Ảnh Shutterstock

Không có triệu chứng rõ ràng để nhận biết việc thiếu hụt vitamin. Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể xác định được điều này thông qua một số biểu hiện, chẳng hạn mệt mỏi, khó chịu, căng thẳng, trầm cảm, dị ứng, mất ngủ. 

Theo Dummies, việc thiếu hụt vitamin khiến cơ thể bị suy giảm về chức năng, thiếu sức đề kháng bệnh tật. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ăn uống đầy đủ nhưng do bệnh ở đường tiêu hóa hoặc do dùng thuốc mà mắc phải tình trạng thiếu vitamin.

Tùy theo cơ thể thiếu vitamin loại nào mà có các biểu hiện sau đây:

thiếu vitamin a

 

Thiếu vitamin A là nguyên nhân gây ra hiện tượng da khô hoặc nứt, giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ảnh minh họa

Thiếu vitamin A Là một chất hết sức cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là cho các tế bào mắt, gây khô mắt, quáng gà thậm chí dẫn tới mù lòa (gặp ở trẻ suy dinh dưỡng nặng). 

Ngoài ra, nó còn gây ra hiện tượng da khô hoặc nứt, vết thương chậm lành, tổn thương  thần kinh, khứu giác và vị giác giảm, không có khả năng đổ mồ hôi; giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Hiện nay để phòng tránh biến chứng do thiếu vitamin A, người ta cho bà mẹ sau 1 tháng đẻ và trẻ từ 0-36 tháng tuổi uống vitamin A liều cao. Các loại thực phẩm như gan, tim, sữa, lòng đỏ trứng, các loại trái cây có vỏ màu vàng, đỏ như đu đủ, cà rốt, gấc, táo... cũng giúp bổ sung vitamin A.

Thiếu vitamin B1 gây bệnh beriberi còn gọi là bệnh tê phù, gây tê bì, viêm da, viêm thần kinh, rối loạn tâm thần, kém tập trung, đầu ngón tay tê, nhịp tim nhanh,... thậm chí gây suy tim.

Giải pháp: Bổ sung vitamin B1 có trong: mầm lúa mì, mầm đậu nành, gạo lức, lòng đỏ trứng, gan, thịt nạc, cá, nấm rơm và các loại rau màu xanh đậm.

Thiếu vitamin C gây bệnh scorbut mà những biểu hiện cơ bản là viêm lợi, lợi sưng đỏ, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da... Nghiêm trọng hơn nó có thể gây ra hiện tượng vết thương lâu lành, kém tập trung, bệnh nặng gây rụng răng, mềm xương, mạch máu dễ vỡ, thiếu máu, suy tim, tử vong... Thiếu vitamin C thường do trong chế độ ăn thiếu rau quả tươi.

Giải pháp: Bổ sung vitamin C có nhiều trong các loại trái chua như chanh, cam, bưởi, dâu, cà chua, rau ngót, súp lơ, bắp cải, gan, thận, táo, lê, nho...

thiếu vitamin d

 

Ở trẻ em thiếu vitamin D gây bệnh còi xương, nhẹ cân, sâu răng, gia tăng bệnh hen suyễn và viêm nhiễm đường hô hấp. Ảnh minh họa

Thiếu vitamin D: Ở trẻ em thiếu vitamin D gây bệnh còi xương (cơ bắp yếu, răng phát triển chậm, xương mềm), nhẹ cân, sâu răng, gia tăng bệnh hen suyễn và viêm nhiễm đường hô hấp. 

Nghiên cứu được công bố tại Anh cho biết trẻ em thiếu hụt vitamin D có nguy cơ cao mắc bệnh hô hấp. Do đó, cần cho trẻ tắm nắng sớm để tổng hợp vitamin D. Ở người lớn thiếu vitamin D dẫn đến hiện tượng nhuyễn xương (mềm, xốp, dễ gãy).

Bên cạnh đó, các loại thực phẩm như cá thu, cá trích, cá ngừ, gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa... cũng giúp tăng lượng vitamin D trong cơ thể.

Thiếu vitamin K gây máu khó đông, làm cho vết thương chảy máu liên tục.

Giải pháp: bổ sung các loại thực phẩm có chứa vitamin K như gan, lòng đỏ trứng, trà xanh, củ cải, đậu nành, dầu thực vật.

Thiếu vitamin B12 (cobalamin) gây ra các biểu hiện như rối loạn cảm giác, kích thích thần kinh hoặc trầm uất, Viêm da, lưỡi viêm đỏ, ăn không ngon, giảm cân hay tính khí thất thường, buồn rầu...

Giải pháp: Bổ sung các thực phẩm có nhiều vitamin B12: gan, thận, tim, thịt bò, cá, lòng đỏ trứng, sữa, sữa chua, pho mát, sò, cua...

Trong cuộc sống thường ngày, có những thời điểm cơ thể có những dấu hiệu lạ: tóc khô, rụng, lợi sưng, chảy máu, viêm da, giảm cân, khô mắt, quáng gà, chán ăn, mệt mỏi…đó là những triệu chứng khi cơ thể thiếu các loại vitamin: A, B, C, E, B12, B1…

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, tránh thiếu hụt các loại vitamin cho cơ thể, chúng ta cần đảm bảo chế độ ăn uống khoa học với đẩy đủ các nhóm chất đạm, chất béo, chất khoáng, rau xanh, hoa quả…. 

Nếu bị các bệnh do thiếu vitamin như trên thì có thể bổ sung vitamin dưới dạng thuốc viên nhưng không nên lạm dụng vì uống thừa cũng gây nguy hiểm, chẳng hạn thừa vitamin A có thể dẫn tới ngộ độc. Tốt nhất khi muốn bổ sung vitamin dưới dạng thuốc nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

 

Theo alobacsi.vn